Cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau khi mà bất động sản xanh là xu thế phát triển hiện đại. Đặc biệt tại Việt Nam, khi môi trường sống của con người đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tài nguyên đang ngày dần cạn kiệt. Đâu sẽ là cơ hội và đâu sẽ là thách thức cho các chủ đầu tư vào Công trình Xanh tại Việt Nam?
1. Cơ hội của Công trình Xanh tại Việt Nam
Cơ hội nào cho công trình xanh tại Việt Nam
Theo PGS.TS – KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội những cơ hội thuận lợi giúp chúng ta có thể phát triển nhanh, mạnh, bền vững công trình xanh gồm:
Thứ nhất, nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các khu đô thị, các công trình xây dựng phúc lợi xã hội…ngày càng được phát triển.
Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa thì phát triển công trình xanh là giải pháp giúp kiến trúc Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Đây chính là một cơ hội mở cho công trình xanh Việt Nam phát triển.
Thứ hai, xét về phương diện kiến trúc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường thì hình mẫu kiến trúc truyền thống Việt Nam là một hình mẫu công trình xanh. Những kiến trúc dân gian Việt Nam từ lâu đời đã có những kinh nghiệm xanh nhưng ở trong một trình độ công nghệ thấp. Mặc dù vậy những bài học này lại là những nền móng rất vững chắc cho việc phát triển công trình xanh trong điều kiện Việt Nam trong tương lai.
Thứ ba, công trình xanh đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công trình xanh đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và đã đem lại những giá trị tích cực. Do mới bắt đầu cho công cuộc phát triển công trình xanh, nước ta có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển.
Thứ tư, Nhà nước đã bước đầu có những quan tâm tới phát triển công trình xanh bằng việc ban hành một số văn bản pháp quy. Bộ Xây dựng đang tập trung điều chỉnh, xây dựng mới những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về mặt quy hoạch, đưa dần các tiêu chuẩn xây dựng xanh vào ở mức độ các tòa nhà, các khu đô thị mới.
Ngoài ra trong năm 2013, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành quy chuẩn sửa đổi, giúp cho việc áp dụng trở nên dễ dàng hơn và có chế tài để biến quy chuẩn mới thành một phần không thể thiếu trong các công trình được thiết kế. Điều này là vô cùng quan trọng trong công cuộc nâng cao chất lượng công trình. Bên cạnh quy chuẩn của nhà nước, sự góp mặt của Hệ thống đánh giá Công trình Xanh LOTUS do VGBC ban hành và phát triển thông qua sự hỗ trợ từ Hội đồng Công trình Xanh quốc tế dành cho Việt Nam là vô cùng quý giá.
2. Thách thức của Công trình Xanh tại Việt Nam
Công trình Xanh đã được biết đến tại Việt Nam nhưng chưa được xã hội dành cho sự quan tâm đúng mức, dù đã có những công cụ đánh giá nhưng Công trình Xanh vẫn gặp phải một số thách thức khi phát triển.
Mặc dù có nhiều cơ hội, song Công trình Xanh cũng gặp phải vô vàn thách thức
Lý do đến từ những rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức về Công trình Xanh. Theo một số nghiên cứu công trình, nếu Việt Nam không có hệ thống công cụ riêng phù hợp sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí và kém hiệu quả.
Hiện nay tại Việt Nam đã có bộ quy chuẩn tiết kiệm năng lượng 09:2005, quy chuẩn duy nhất về tiết kiệm năng lượng công trình đang hiện hành. Tuy nhiên việc thực thi hiện còn nhiều hạn chế, thậm chí không được biết đến trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư tới kỹ sư. Điều này xảy ra bắt nguồn từ sự phức tạp của quy chuẩn và sự lỏng lẻo trong khâu quản lý đầu tư xây dựng.
Các chuyên gia Việt Nam cũng có những nỗ lực như thành lập Hội kiến trúc xanh Việt Nam, Hội xây dựng xanh Việt Nam nhưng những tên gọi này chỉ nằm trên giấy tờ và chưa có hoạt động thực tế nào đáng kể. Nguyên nhân do nền tảng khoa học cơ bản về công trình và thiết bị kỹ thuật của Việt Nam còn đang tụt hậu khá xa so với Thế giới. Nhà nước còn thiếu những chính sách hỗ trợ phù hợp cũng làm gián đoạn sự phát triển của những mô hình xanh.
Công trình Xanh phát triển mạnh chủ yếu ở những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển, hiện tại Việt Nam đã có công cụ đánh giá Công trình Xanh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về rào cản kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. Phát triển Công trình Xanh không thể thiếu những yếu tố này, đây là điều đáng tiếc của khoa học công trình tại Việt Nam, khi mà tại Hà Lan thậm chí còn có một câu khẩu hiệu: “Khoa học công trình càng chính xác thì tính bền vững càng cao”.
Có một sự tương phản tại Việt Nam, đó là việc tăng cường nhận thức về Công trình Xanh được thực hiện rất nhiều trong thời gian qua nhưng những Công trình Xanh thực sự lại xuất hiện rất ít. Khi mà vẫn còn tính toán bằng phương pháp cũ, còn nhiều sai số không phù hợp trong tình hình mới. Đây là vấn đề cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.
Thực tế nghề kiến trúc sư hiện nay đang phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò từ khâu thiết kế, quan hệ, quản lý, thợ vẽ và nhận mức phí thiết kế thấp nhất Thế giới (Chỉ khoảng 2% giá trị công trình trong khi tại các nước khác là 8 – 10%). Dẫn tới nhiều hệ quả khác biệt so với Thế giới về vấn đề lãng phí năng lượng và tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Điều này là sự khác biệt lớn nhất trong việc triển khai Công trình Xanh tại Việt Nam so với các nước khác trên Thế giới.
Như vậy đó là cơ hội và thách thức mà Công trình Xanh tại Việt Nam đang phải đối mặt. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho bạn đọc và chủ đầu tư đưa ra những quyết định đúng đắn, góp phần vào công cuộc phát triển và xây dựng Đất nước ngày một thịnh vượng và bền vững.
Chia sẻ bài đăng , chọn nền tảng chia sẻ!