Tôi đang có dự án BĐS cần phát triển? Tôi phải bắt đầu từ đâu? GỌI CHÚNG TÔI: 0948484859

Khó thuyết phục chủ đầu tư phát triển Công trình Xanh

Thuyết phục chủ đầu tư tham gia vào Công tình Xanh luôn gặp rất nhiều trở ngại, khi mà họ thường nghĩ rằng việc thực thi Công trình Xanh chỉ có tác dụng để marketing, quảng cáo bán hàng nhưng những lợi ích thực tế của Công trình Xanh mang lại là vô cùng lớn. 

 

I. Nhận thức của các chủ đầu tư, gia chủ về Công trình Xanh

Các chủ đầu tư, gia chủ đa phần đã có những kiến thức nhất định về hiệu quả năng lượng, nước và Công trình Xanh. Tuy nhiên, góc độ nhận thức chỉ tập trung về phía bên ngoài công trình, còn những giá trị lợi ích của Công trình Xanh như tiện nghi, sức khỏe, năng suất làm việc, hóa đơn điện nước … lại ít được biết đến.

 

Công trình Xanh không phải là các giải pháp tốn kém như tấm pin năng lượng mặt trời, trồng cây xanh trên mái, thiết bị thông minh, … mà phần lớn là các giải pháp thiết kế thụ động, thông thoáng gió, ánh sáng tự nhiên, cách nhiệt cho tường, mái, sử dụng kính phù hợp, trang thiết bị máy lạnh và nước hiệu quả. Khi đã áp dụng được các giải pháp trên, thì các yêu cầu khác về môi trường tự nhiên sẽ được dễ dàng triển khai.

 

Các chủ đầu tư và gia chủ thường rất nhiệt tình trong quá trình tìm hiểu, nhưng khi có nhiều rào cản về chi phí, thói quen sử dụng, chủng loại trang thiết bị … khiến họ còn nhiều e ngại.

 

Khó khăn trong việc thuyết phục chủ đầu tư tham gia vào Công trình Xanh

 

II. Khó khăn nhất khi phát triển Công trình Xanh là thuyết phục chủ đầu tư hay thay đổi nhận thức của người mua nhà

Việc khó khăn nhất là thuyết phục chủ đầu tư, bởi vì hiện tại thị trường xây dựng chưa có khái niệm và cụ thể về kiến thức về Công trình Xanh cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Do chưa có yêu cầu từ phía người mua nhà, các chủ đầu tư luôn có nhiều e ngại trong việc thêm chi phí. Tại một số nước lân cận như Singapore, người mua nhà ưu tiên mua các công trình có tiêu chuẩn Công trình Xanh do họ hiểu được lợi ích.

 

1. Lầm tưởng về chi phí của các chủ đầu tư

Các chủ đầu tư thường có suy nghĩ ban đầu rằng việc làm Công trình Xanh chỉ để mục đích marketing, quảng cáo bán hàng ban đầu. Nhưng thực tế, với các lợi ích mà Công trình Xanh mang lại, chủ đầu tư sẽ được sự tin tưởng hơn cho các công trình tiếp theo.

 

Khó khăn trong việc thuyết phục chủ đầu tư phát triển Công trình Xanh

Điều khó nhất khi làm CTX là thuyết phục chủ đầu tư

 

Chi phí phát sinh là rào cản và e ngại lớn nhất của các chủ đầu tư trong thời điểm này. Phần lớn các chủ đầu tư đang nhìn nhận các giải pháp Công trình Xanh sẽ khiến công trình tăng lên 30% thậm chí cao hơn, nhưng theo thống kê của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, phần lớn chi phí đầu tư cho Công trình Xanh dưới 5%.

Chi phí phát sinh 0% chỉ có thể đại diện cho một vài công trình, không phải phần lớn các Công trình Xanh. Nhiều công trình đã thiết kế ban đầu tốt, họ không biết họ đã làm những giải pháp xanh, nên khi áp dụng theo hệ thống chứng nhận thì chi phí đầu tư phát sinh là không có. 

 

Theo đánh giá của hệ thống đánh giá Công trình Xanh trên thế giới và Việt Nam thì chi phí đầu tư trong khoảng 2 – 8%, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thể loại công trình, công năng sử dụng, quy mô, tổng mức đầu tư… Chi phí đầu tư này đang giảm dần, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, trang thiết bị đèn, nước, do sản phẩm đa dạng hơn, có thể sản xuất trong nước.

 

2. Nhà nước chưa có chính sách để thuyết phục các chủ đầu tư

Hiện tại Nhà nước chưa có các cơ chế ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư, cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, vật liệu, tham gia vào quá trình thực hiện Công trình Xanh, cũng như chưa có những chế tài, tiêu chuẩn quy định một số các yêu cầu của Công trình Xanh cho trang thiết bị nước, vật liệu xây dựng.

 

Thuận lợi duy nhất nếu có thì đó là: Các Công trình Xanh được trao các giải thưởng, những hỗ trợ quảng bá thông tin công trình và được sự ghi nhận từ giới chuyên môn.

 

III. Điểm khác biệt giữa Công trình Xanh và Công trình thông thường

Việt Nam có 4 hệ thống đánh giá là LEED (Mỹ), GREEN MARK (Singapore), LOTUS (Việt Nam) và EDGE (Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC). LEED được biết đến là hệ thống đánh giá có yêu cầu khắt khe nhất. 

 

Công trình thông thường không có yêu cầu sự đánh giá về mức độ hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu cũng như các yếu tố liên quan sức khỏe, tiện nghi của người sử dụng và môi trường xung quanh. Việc làm Công trình Xanh thường được bắt đầu từ giai đoạn thiết kế ý tưởng, trong đó việc góp ý cho các thiết kế của Kiến trúc, Cơ điện và Kết cấu để nâng cao hiệu quả công trình là bắt buộc.

 

Tuy nhiên, những phức tạp trên không phải là sự lãng phí. Các chi phí đầu tư ban đầu sẽ được hoàn vốn thông qua việc tiết kiệm hóa đơn tiền điện, nước, chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng, cũng như sức khỏe, năng suất làm việc của người sử dụng công trình.

 

Chứng nhận LOTUSThang điểm đánh giá của Hệ thống tiêu chí xanh LOTUS

 

IV.  “Cách mạng Xanh” tại Việt Nam

Để thực hiện một “Cách mạng Xanh” đòi hỏi sự tham gia của 5 nhóm chính, trước tiên của các nhà lập chính sách để ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn để chế tài; các đơn vị cung cấp trang thiết bị, vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công để có các sản phẩm cạnh tranh, tối ưu về chi phí; các tư vấn thiết kế để am hiểu và có kiến thức chuyên môn; các nhà đầu tư, phát triển bất động sản để đưa sản phẩm thực tế đến người sử dụng; và cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất là cộng đồng xã hội để nâng cao nhận thức về các lợi ích của Công trình Xanh.

 

Cách mạng Xanh tại Việt Nam

 

Những khó khăn trong việc thuyết phục chủ đầu tư phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ việc thay đổi nhận thức trước tình hình bối cảnh xã hội hiện tại. Hy vọng rằng trong tương lai đất nước ta sẽ có thêm nhiều Công trình Xanh hơn, khi mà đã có những nhận thức đầy đủ và đúng đắn về Công trình Xanh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

0948484859

Messenger