Quá trình hình thành và phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây khi mà nhận thức xã hội về tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã trở nên cải thiện. Bài viết đưa ra những nhận định tổng quan chính về Công trình Xanh tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
I. Bối cảnh ra đời Công trình Xanh tại Việt Nam
Từ cuối thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, loài người đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn về sinh thái và môi trường, thể hiện rõ rệt nhất qua “Biến đổi khí hậu / Climate Change”- hiện tượng đang ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa hủy diệt cuộc sống trên Trái đất. Lo lắng về sự phát triển thiếu bền vững Trái đất, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị toàn cầu đầu tiên về “Môi trường và phát triển” năm 1987. Tiếp đó, năm 1992 Liên hợp quốc lại tổ chức Hội nghị Môi trường và phát triển với sự tham gia của người đứng đầu 162 quốc gia, cùng ký kết “Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu / UN Framework Convention on Climate Change”. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn công ước này tháng 11/1994, sau đó đã xây dựng “Chương trình phát triển bền vững quốc gia” (còn gọi là chương trình nghị sự 21/ Agenda 21).
Trong bối cảnh đó, năm 1990 – 1995 Phong trào Công trình xanh (CTX) ra đời và được coi là hoạt động quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất trong các hoạt động có ý thức của toàn cầu ứng phó với Biến đổi khí hậu. Lý do của sự đánh giá này là các công trình xây dựng (kể từ khi xây dựng, vận hành đến lúc phá hủy) đã thải ra khoảng 50% khí nhà kính CO2 – nguyên nhân chủ yếu gây ra Biến đổi khí hậu.
II. Công trình xanh − Giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu
1. Khái niệm
Khái niệm Công trình Xanh do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ đưa ra, nhằm nói đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua:
– Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả.
– Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động.
– Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Các tổ chức xếp hạng công trình Xanh, tính đến tháng 4/2019, có 250 dự án Công trình Xanh đã được đăng ký và chứng nhận. Một số công trình Xanh tiêu biểu tại Việt Nam như: DIAMOND LOTUS RIVERSIDE, ECOPARK SKY OASIS, Trường Mầm non Thế giới Xanh Pouchen…
2. Lợi ích của việc xây dựng Công trình Xanh
a) Tiếp cận thông minh về năng lượng
Những công trình xanh có thể tạo ra năng lượng nhiều hơn và tiêu thụ ít hơn so với các công trình thông thường. Đặc biệt, tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong các Chứng chỉ Công Trình Xanh như LEED, LOTUS cũng rất quan trọng và là một trong những yêu cầu tiên quyết khiến các công trình xanh tiêu thụ ít năng lượng hơn.
b) Bảo vệ tài nguyên nước
Với công trình xanh thì không tồn tại khái niệm về việc “lãng phí”. Việc tiêu thụ nước trong các công trình xanh được tối ưu hóa hóa nhờ việc sử dụng các công cụ tiết kiệm nước và sử dụng các hệ thống bơm và tái sử dụng nước hiệu quả.
Ví dụ như việc tái chế nước xám (nước sinh ra từ nhà tắm và bếp) có tác động đáng kể đến việc giảm thiểu tiêu thụ nước trong các công trình. Hay như bể chứa nước được xử lý và lọc bằng cát, sỏi, các bộ lọc sinh học và sau đó tái sử dụng để tưới nước cho các khu vườn. Điều này giúp giảm lượng nước thải, giảm tác hại của việc sử dụng nước đối với môi trường xung quanh, đặc biệt là với môi trường biển.
c) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm
Ứng dụng kiến trúc xanh là một trong những cách giảm thiểu rác thải xây dựng vô cùng hiệu quả. Bằng việc sử dụng các vật liệu tái tạo như gỗ tự nhiên tái sinh và vật liệu thực vật bền vững; hoặc tái sử dụng những sản phẩm công nghiệp thứ cấp như cát, than đã cháy và các mảnh vụn xây dựng. Công trình xanh cũng thúc đẩy tăng trưởng thông minh bằng cách quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của con người và môi trường tự nhiên.
d) Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi của người sử dụng công trình
Một trong những mục tiêu chính của công trình xanh là cải thiện chất lượng môi trường không khí cho mỗi cá nhân bên trong công trình. Theo báo cáo của EPA, mức ô nhiễm không khí trong nhà lớn hơn so với ngoài trời khoảng 2 đến 5 lần.
Báo cáo cũng cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm nhất là do vật liệu được sử dụng trong xây dựng và trang trí nội thất. Do đó, sự có mặt của công trình xanh sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường sẽ giúp cải thiện và thanh lọc các chất gây ô nhiễm trong không khí.
e) Giữ gìn cảnh quan xanh
Công trình xanh được xây dựng từ các nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, không độc hại, có thể tái chế mà không tốn kém như tre, nứa, kim loại tái chế hay bê tông thân thiện với môi trường. Hơn nữa công trình xanh cũng tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng than đá, nước – những tài nguyên không thể tái tạo.
g) Tối ưu chi phí trong toàn bộ vòng đời công trình
Những công trình bền vững như công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng đang được xây dựng và đầu tư đều có một điểm chung là giúp tiết kiệm chi phí cho các đơn vị liên quan.
“Chi phí xây dựng và đầu tư công trình xanh theo các nghiên cứu đưa ra chỉ tăng thêm 2%, thậm chí có thể không tăng nếu được Thiết Kế Đúng” – theo Chuyên gia Thiết kế Tiết kiệm Năng lượng, công ty Edeec, ông Trần Thành Vũ, “Điều này đồng nghĩa với việc giảm một con số không nhỏ chi phí sử dụng năng lượng và chi phí vận hành của công trình – phần tốn kém nhất.”
3. Ý kiến về Công trình Xanh tại Việt Nam
Trong Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020, phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường bên trong công trình; bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, với độ bao phủ hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng như quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Giám đốc kinh doanh Greenviet, ông Đỗ Hữu Nhật Quang cho biết: Hiện nay, đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng; đã xuất hiện những chuỗi công trình xanh; sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh; tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ; chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.
Hình ảnh về buổi Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020
III. Các tiêu chí đánh giá Công trình Xanh tại Việt Nam
Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tiến hành biên soạn Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá tòa nhà xanh ở Việt Nam, được gọi là hệ thống đánh giá LOTUS, đặc biệt chú trọng đến các đặc tính tự nhiên và kinh tế Việt Nam, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và chính sách xây dựng hiện hành của Việt Nam.
Hệ thống đánh giá LOTUS đã được Hội đồng Công trình Xanh thế giới và Bộ Xây Dựng công nhận.
10 nhóm chỉ tiêu công trình Xanh LOTUS gồm:
1. Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng nhân tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo
2. Tiết kiệm sử dụng nước, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải
3. Tiết kiệm sử dụng vật liệu xây dựng, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu dễ chế tạo, vật liệu được tạo thành tiêu tốn ít năng lượng.
4. Bảo vệ sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình đến hệ sinh thái xung quanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển thảm thực vật, trồng cây xanh trên mái và các tầng nhà;
5. Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu xả thải nước thải, chất thải rắn, khí thải, khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải trong suốt quá trình xây dựng, và giai đoạn vận hành;
6. Bảo đảm tiện nghi và sức khỏe, chất lượng không khí trong nhà, tiện nghi nhiệt, vi khí hậu, tiện nghi ánh sáng, tiện nghi ồn, rung;
7. Thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống úng ngập, bảo đảm công trình bền vững dưới tác động của bão tố, động đất, thảm họa thiên nhiên. Công trình không gây ra hiệu ứng đảo nhiệt, khuyến khích người sử dụng công trình đi lại bằng xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng vật liệu địa phương để giảm nhu cầu giao thông vận tải;
8. Kết nối cộng đồng, tham vấn cộng đồng khi đầu tự xây dựng dự án, kết nối với các tiện ích, cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có, có không gian phục vụ cộng đồng, tiện nghi cho người;
9. Quản lý trong giai đoạn thiết kế công trình, trong giai đoạn thi công công trình và trong giai đoạn vận hành công trình đều là đảm bảo tối ưu hóa các hoạt động quản lý, khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý môi trường;
10. Khuyến khích các sáng kiến mang lại lợi ích cho môi trường nằm ngoài các yêu cầu.
IV. Xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam
Phát triển Công trình Xanh là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị tại Việt Nam, nhưng những công trình này còn gặp nhiều khó khăn đó là doanh nghiệp e ngại kinh phí đầu tư, do kiến thức hiểu biết về công trình xanh vẫn còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện.
Tại Việt Nam, hiện một số tổ chức quốc tế và các Hội nghề nghiệp như UNDP, IFC, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang tích cực có các hoạt động để thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Một số trường như Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng đang đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển xanh đô thị.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để thúc đẩy phát triển xanh, đặc biệt là ngành xây dựng xanh: “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010”, “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia năm 2012”, “Cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh đến năm 2020”, “Cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh đến năm 2030”, chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,…
Xu hướng phát triển Công trình xanh tại Việt Nam
Có thể nói, các chương trình phát triển công trình xanh, đô thị xanh bền vững vẫn đang được coi trọng và cũng là mục tiêu phát triển mang tính chiến lược ưu tiên trước mắt của đất nước. Đây chắc chắn là cơ hội để doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư và chú trọng thêm các công trình xanh trong tương lai.
V. KẾT LUẬN
Công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, tạo được thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững.
Công trình công nghiệp xanh là xu hướng hội nhập thế giới về phát triển xanh đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, giảm chi phí cho chủ doanh nghiệp khi vận hành công trình, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Chia sẻ bài đăng , chọn nền tảng chia sẻ!