Công trình xanh hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, những năm gần đây, yếu tố xanh trong các dự án bất động sản của Việt Nam đã được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Với lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường, công trình xanh (CTX) đã đem đến điều kiện sống tốt hơn cho người sử dụng. Các chuyên gia nhận định thị trường công trình xanh ở Việt Nam đang từ lấy đà đến cất cánh.
Thực trạng công trình xanh tại Việt Nam
Mặc dù chưa có các hành lang pháp lý, các hoạt động phát triển và chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã thực hiện ở Việt Nam từ hơn 15 năm qua. Tính đến tháng 4 năm 2020, Việt Nam có khoảng 150 CTX được chứng nhận tại Việt Nam theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LOTUS, LEED, EDGE, Green Mark. Con số này cho thấy thị trường CTX đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải. Tính đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới 170 công trình.
Thị trường CTX tại Việt Nam đã hình thành, các chủ thể chính như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận CTX đã xuất hiện nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển CTX ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường CTX Việt Nam tăng trưởng chậm chạp. Hiện nay, thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ nhà nước.
Đề xuất một số giải pháp
Một số chính sách đối với cơ quan nhà nước:
- – Cần sớm ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn để định hướng và quản lý các hoạt động về chứng nhận công trình xanh ở Việt Nam.
- – Cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xanh và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn này.
- – Cần có cách chỉ dẫn, quy định cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công áp dụng chứng nhận công trình xanh.
- – Cần xem xét điều chỉnh mức thiết kế phí và bổ sung chi phí tư vấn, đánh giá và cấp chứng nhận công trình xanh vào định mức.
- – Cần có các chính sách ưu đãi (thuế, thủ tục hành chính, mật độ xây dựng/diện tích sàn xây dựng…) dành cho các thành phần tham gia vào xây dựng công trình xanh.
- – Cần có các chính sách động viên, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể tham gia thực hiện dự án công trình xanh hiệu quả cao.
- – Cần thu thập thông tin về số lượng các dự án công trình xanh đã và đang triển khai để tiến hành công bố định kỳ.
- – Cần có những tổng kết, đánh giá về hiệu quả của các công trình xanh sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thành những nghiên cứu tình huống (case study) tham khảo.
Đối với chủ đầu tư dự án và người sử dụng công trình:
- – Cần hiểu rõ về lợi ích của công trình xanh, quy trình triển khai thực hiện dự án công trình xanh.
- – Cần tìm hiểu rõ vai trò của chủ đầu tư và các bên liên quan (nhất là tư vấn công trình xanh) trong việc tham gia, phối hợp triển khai dự án đạt các mục tiêu công trình xanh.
- – Cần quan tâm tới vấn đề về vận hành công trình xanh đúng cách và hiệu quả nhất; cần nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện xây dựng và vận hành công trình xanh tại Việt Nam đảm bảo tính khả thi cao và tiết kiệm chi phí.
- – Cần có sự quyết tâm, đồng lòng trong nội bộ công ty đối với mục tiêu công trình xanh để đảm bảo các công việc được thực hiện nhất quán từ trên xuống.
- – Cần đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các giải pháp áp dụng theo chứng chỉ công trình xanh trên toàn bộ vòng đời công trình.
- – Cần thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Đối với các đơn vị thiết kế:
Cố gắng tìm hiểu thông tin để nâng cao năng lực để tiếp cận thị trường tiềm năng trong tương lai.
Đối với nhà thầu thi công:
- – Cần hiểu rõ quy trình triển khai dự án công trình xanh và các yêu cầu, quy định liên quan đến việc thi công xây dựng công trình.
- – Cần chủ động và nghiêm túc thực hiện các công việc về quản lý môi trường xây dựng, quản lý rác thải, an toàn lao động,…
- – Cần chủ động tiếp cận các thông tin về công nghệ, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu để chủ động đặt hàng khi cần.
- – Cần tìm hiểu và lường trước các khó khăn, thách thức khi triển khai công việc như là sản phẩm nhập khẩu do không có sẵn ở thị trường trong nước, giá thành cao hơn sản phẩm thông thường, khó tiếp cận thông tin…để có giá trị pháp lý phù hợp.
Đối với nhà cung cấp thiết bị sản phẩm
Có được chứng nhận sản phẩm sớm nhất để cung ứng các sản phẩm cho các công trình xanh.
Cuối cùng, phát triển công trình xanh đã hình thành và sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị tại Việt Nam, những công trình này còn gặp nhiều khó khăn đó là doanh nghiệp e ngại kinh phí đầu tư, do kiến thức hiểu biết về công trình xanh vẫn còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện.
Chia sẻ bài đăng , chọn nền tảng chia sẻ!