Tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn tới những hệ lụy về chính trị, an ninh, kinh tế – xã hội đã buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược phát triển, hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và phát triển bền vững. Trung Quốc coi phát triển hệ thống tài chính xanh là một yêu cầu quan trọng và hiện đang đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh.
1. Chiến lược xây dựng hệ thống tài chính xanh tại Trung Quốc
Về phát triển thị trường
Tháng 12/2015, Trung Quốc đã thiết lập thị trường trái phiếu xanh nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cung cấp tín dụng xanh. Trong đó các loại trái phiếu xanh được phát hành trên thị trường liên ngân hàng, nhằm cho phép các tổ chức tài chính tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh, ưu tiên các dự án phát triển năng lượng sạch và xử lý các vấn đề môi trường.
Về mặt chính sách
Trung Quốc điều chỉnh hướng tới huy động tài chính xanh từ hệ thống ngân hàng – tài chính trên toàn quốc. Trong đó tập trung một số định hướng như:
– Bên cạnh các khoản vay xanh, cần sử dụng các công cụ tài chính khác để hỗ trợ phát triển xanh
– Cải thiện hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý nhằm giảm các chi phí đầu tư trong các dự án xanh
– Phát triển các định chế tài chính chuyên về cho vay xanh và đầu tư xanh, trong đó có sự hộ trợ một phần từ ngân sách chính phủ và có chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân
– Tiếp tục tăng cường khung pháp lý hỗ trợ hoạt động đầu tư xanh và hạn chế các hoạt động đầu tư gây ô nhiễm môi trường
Có thể nói, đặc điểm của chiến lược xây dựng hệ thống tài chính xanh của Trung Quốc là một mô hình “từ trên xuống” và được thúc đẩy thông qua chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô thận trọng.
2. Kinh nghiệm xây dựng hệ thống tài chính xanh
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng hệ thống tài chính xanh, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề cần cân nhắc khi phát triển hệ thống tài chính xanh cho Việt Nam cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn mô hình phát triển hệ thống tài chính xanh phù hợp. Do hệ thống tài chính Việt Nam chưa phát triển mạnh và toàn diện như các quốc gia Âu Mỹ nên mô hình phát triển hệ thống tài chính xanh “từ trên xuống” sẽ phù hợp hơn.
Thứ hai, cần phát triển hệ thống tài chính xanh trên cơ sở gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế.
Quá trình phát triển hệ thống tài chính xanh cần kết hợp với chiến lược phát triển xanh, cũng như chiến lược phát triển chung của Chính phủ nhằm đảm bảo mang lại lợi ích chung trong dài hạn.
Thứ ba, cần thiết lập một cơ chế khuyến khích rõ ràng hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính xanh.
Điều này thể hiện bằng việc Chính phủ Việt Nam cần thực hiện những điều chỉnh về chính sách, khung khổ pháp luật liên quan tới hoạt động tài chính và các tổ chức tài chính khác nhau như ngân hàng, bảo hiểm, cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển một hệ thống tài chính xanh hướng tới một nền kinh tế xanh.
Thứ tư, cần ban hành những quy định đảm bảo sự minh bạch của thị trường. Xây dựng môi trường kinh doanh rõ ràng mình bạch là yếu tố quan trọng hỗ trợ sự phát triển hệ thống tài chính xanh.
Tóm lại, việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính xanh là một nhiệm vụ cấp bách đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh các vấn đề môi trường đang trở nên nghiêm trọng, gây nên những tác động tiêu cực cho việc phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới.
Việc phân tích quá trình xây dựng và phát triển hệ thống tài chính xanh của Trung Quốc là một trong những quốc gia có được nhiều thành tựu trong hoạt động này là cần thiết nhằm hỗ trợ cho Việt Nam tìm kiếm những biện pháp hiệu quả để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Chia sẻ bài đăng , chọn nền tảng chia sẻ!