Tôi đang có dự án BĐS cần phát triển? Tôi phải bắt đầu từ đâu? GỌI CHÚNG TÔI: 0948484859

Về GBS | Liên hệ

Mô hình phát triển công trình xanh tại Việt Nam 

 

Việc phát triển công trình xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế xã hội và môi trường. Thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường.

 

Công trình xanh (CTX) là gì?

 

Theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (United States Green Building Council – viết tắt là USGBC) đưa ra, khái niệm Công trình Xanh  nhằm nói đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Một số chứng nhận công trình xanh phổ biến trên thế giới là LOTUS, LEED,..

 

Mô hình phát triển CTX trên thế giới  

 

Trên thế giới hiện nay có 2 mô hình phát triển công trình xanh chủ yếu. 

 

Mô hình phi chính phủ

 

Phong trào CTX do các tổ chức phi chính phủ, gọi là các “Hội đồng CTX/Green Building Council” điều hành. 

 

Nhiều nước phát triển như Mỹ, Australia, nhiều nước châu Âu… và cả Malaysia cũng theo mô hình này. Tuy nhiên, họ được sự ủng hộ của chính quyền. Ví dụ Thống đốc Bang California yêu cầu các công trình muốn được cấp phép xây dựng ở đây phải đạt từ chứng chỉ CTX bạc trở lên (trên bạc là vàng và bạch kim).

 

Hội đồng CTX các nước liên kết với nhau trong Hội đồng CTX thế giới (World GBC), có trụ sở tại Toronto, Canada, thành lập năm 1999. Chính thức hoạt động từ năm 2002 với “vai trò chính là để chính thức thông tin liên lạc quốc tế, giúp các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tiếp cận thị trường mới nổi, và cung cấp một tiếng nói quốc tế cho các sáng kiến ​​xây dựng xanh”.

 

Tòa thị chính City Hall London – Anh

 

Mô hình chính phủ 

 

Phong trào CTX do một tổ chức của Chính phủ điều hành, có sự tham gia phối hợp của các tổ chức phi chính phủ, như các Hội, Hội đồng. Các nước Nhật Bản, Đài Loan, Trung quốc, Singapore, … theo mô hình này. 

 

Ví dụ: BCA (Building and Construction Authority) của Singapore là một cơ quan chính phủ trực tiếp điều hành, cấp chứng chỉ CTX và đưa ra các kế hoạch phát triển CTX (năm 2010 có “2 nd Green Building Master Plan” tới năm 2030). Hội đồng CTX Singapore chỉ phối hợp thực hiện và cấp “Chứng chỉ công nghệ xanh”. 

 

Tại Đài Loan ban hành “Chính sách CTX: Chương trình phát triển trọng đại quốc gia 2002 – Thách thức 2008 / Taiwan Green building policy: Challenging 2008 – National Major Development Plan In 2002”.

      

Hệ thống khách sạn Parkroyal – Singapore

Mô hình phát triển CTX tại Việt Nam 

 

Tại Việt Nam, xu hướng công trình xanh được phát triển dựa trên mô hình chính phủ điều hành và lãnh đạo. Khởi đầu xu hướng, vào năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. 

 

Quát trình phát triển CTX

 

Năm 2007, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập, là một tổ chức phi chính phủ, chi nhánh của Hội đồng CTX California. 

 

Năm 2011, VGBC đưa ra Hệ thống đánh giá CTX đầu tiên ở Việt Nam, gọi là Lotus.

 

Năm 2011 Hội Môi trường xây dựng Việt Nam (MTXDVN) thành lập “Hội đồng công trình xanh Việt Nam (GBC Vietnam)”, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Hội MTXDVN đã được Bộ xây dựng giao cho xây dựng “Chiến lược phát triển CTX ở Việt Nam năm 2020 – 2030” và xây dựng “Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam”. Hai đề tài này đã hoàn thành, được Hội đồng khoa học nghiệm thu và bàn giao cho Bộ Xây dựng năm 2014. Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Hội đánh giá thử nghiệm một công trình theo Hệ thống tiêu chí đã đề xuất.

 

Theo thống kê của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

 

Biệt thự K-Villa+, khu đô thị mới Hưng Phú, Tp Cần Thơ

Xu hướng phát triển CTX

 

Trên thực tế Việt Nam cho thấy, nỗ lực của các chuyên gia và tổ chức CTX mới chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức và tuyên truyền. Chúng ta cần phải coi công trình xanh là xu thế tất yếu, con đường phải đi. 

 

Thời điểm hiện tại  CTX có xu hướng sẽ  phát triển mạnh mẽ,các chủ đầu tư và người mua nhà đều đang hướng tới các tiêu chí “xanh” trong việc phát triển các dự án xây dựng, các công trình nhà ở.

 

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) – Hà Nội

 

Một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là nhà nước cần hướng dẫn thống nhất về tiêu chí, tiêu chuẩn và tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

 

Đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với những  chủ đầu tư xây dựng, phát triển công trình xanh, có tỉ lệ sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường.

 

Giải pháp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cũng là một giải pháp nên được chú trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn. 

 

Các nội dung cần hoàn thiện bao gồm: phổ biến áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng; cập nhật và hoàn thiện các tài liệu đào tạo về tiết kiệm năng lượng; xây dựng các công trình mẫu phục vụ đào tạo… 

 

Đối tượng đào tạo bao gồm các cán bộ quản lý Nhà nước về xây dựng tại các địa phương, các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình, các kỹ sư, kiến trúc sư tư vấn lập dự án, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình.sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng để thay thế các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, gây ra hiệu ứng nhà kính…

 

Việc phát triển và đẩy mạnh xây dựng các công trình xanh trên cả nước là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu hậu quả tình trạng biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường. Không những vậy, phát triển xu hướng CTX còn giúp thúc đẩy nền kinh tế nước nhà cũng như bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

0948484859

Messenger