Thế giới đã và đang phải gánh chịu những tác động do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu trở thành kẻ thù số một của ngành kinh doanh xây dựng, các chuyên gia đang thay đổi chiến lược và nâng cao tiêu chuẩn của họ. Do đó, các vật liệu xanh nói riêng và công trình xanh nói chung hơn đang trở thành dần một xu hướng mạnh mẽ trong tương lai.
Khái niệm vật liệu xanh
Vật liệu xanh được hiểu đơn giản là những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế và phân hủy xanh. Tuổi thọ của chúng thường dài và trong quá trình sử dụng không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối môi trường và sức khỏe người sử dụng trong suốt vòng đời và cả đến khi hết hạn sử dụng.
Có 2 tiêu chí chính trong việc sản xuất vật liệu xanh:
- – Sử dụng ít năng lượng để sản xuất
- – Quá trình sử dụng tiêu tốn ít năng lượng.
Xu hướng vật liệu xanh
Xu hướng toàn cầu về công trình xanh,vật liệu xanh vẫn đang tiếp tục gia tăng tính tới thời điểm hiện tại. Nó có thể sẽ còn phát triển hơn nữa, đặc biệt là ở hầu hết Bắc Mỹ, Châu Âu và các nước đang phát triển nhanh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông.
Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường vật liệu xây dựng xanh ở Mỹ ước tính đạt 64,6 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ đạt quy mô thị trường dự kiến là 84,8 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR (Compounded Annual Growth Rate; tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 11% trong giai đoạn phân tích từ 2020 đến 2027.
Các thị trường địa lý đáng chú ý khác là Nhật Bản và Canada, mỗi thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6,1% và 7,1% trong giai đoạn 2020-2027. Tại Châu Âu, Đức được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR khoảng 6,6%.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động của biến đổi khí hậu thậm chí còn diễn biến nhanh hơn so với dự kiến. Chính vì vậy nước ta đã cam kết với thế giới cùng nỗ lực giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tận dụng cơ hội này để chúng ta cùng phối hợp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu như việc sử dụng các vật liệu xanh thân thiện với môi trường và gia tăng các công trình xanh.
Trong đó có quyết định 567/QĐ-TTG vào 4/2010, đưa ra mục tiêu sử dụng 20 – 25% vật liệu xanh này trong xây dựng vào năm 2015 và đạt 30 – 40% vào năm 2020. Cùng với đó, tất cả các công trình dùng nguồn vốn Nhà nước đều phải dùng vật liệu xanh trong xây dựng. Với chính sách thúc đẩy của Nhà nước, chắc chắn rằng ngành vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ sớm sản xuất và ứng dụng nhiều loại vật liệu thông minh, thân thiện với môi trường.
Dựa trên số liệu đưa ra tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020, thực tế sau hơn 10 năm triển khai, cả nước có chưa đến 150 công trình (tính cả gần 1/3 trong số đó đang chờ xét duyệt) đạt tiêu chuẩn Công Trình Xanh.
Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang có những bước đi tiến bộ vượt bậc, rất có thể sẽ trở thành xu hướng tất yếu đi đầu trong tương lai.
Chia sẻ bài đăng , chọn nền tảng chia sẻ!